Tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu từ lâu đã được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, nằm ở khu vực cửa ngõ miền Đông Nam bộ hướng ra biển Đông, liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh- trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hệ thống giao thông kết nối khá thuận lợi.
Đây chính là một điểm mạnh của ngành Du lịch BR-VT so với các địa phương trong khu vực, cộng với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, đặc biệt là tiềm năng tự nhiên với 300 km chiều dài bờ biển trong đó có khoảng 156 km là các bãi tắm đẹp, bằng phẳng, ít sóng lớn, nước trong xanh có các di tích, thắng cảnh kề cận, có rừng nguyên sinh Bình Châu Phước Bửu, vườn Quốc gia Côn Đảo với hệ động thực vật phong phú, có suối khoáng nóng ngay trong rừng nguyên sinh, Tỉnh có cả những ngọn núi cao như Núi Dinh, núi Minh Đạm. Tất cả đều có thể khai thác cho các hoạt động du lịch đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc, đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn ở nước ta, với diện tích 10.509 ha, trong đó có 50,8 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái (giai đoạn 2002 -2006), từ năm 2012 khu bắt đầu đón khách tham quan. Nơi đây có hệ động thực vật rất phong phú với 205 loài có xương sống, trong đó có 49 loài thú thuộc 21 họ, 9 bộ với 36 loài quý hiếm như gấu chó, cu li, khỉ đuôi lợn, mèo rừng, vên vên, voọc xám bạc và 106 loài chim. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như gà lôi hông tía, yến núi, bồ câu nâu và có nhiều loài bò sát như trăn gấm, trăn đất, rắn hổ mang, tắc kè…và nơi đây có khoảng 600 tiêu bản thực vật trong đó có nhều nhiều loại gỗ quý hiếm như gỗ đỏ, cẩm lai, xoan đào, giáng hương, huỳnh đàn, bình linh…Đặc biệt trong khu bảo tồn có suối khoáng nóng với hơn 70 điểm phun lộ thiên, mạch nước nóng hoạt động gần 1km2 và chứa nhiều chất khoáng như silic, nitơ, lưu huỳnh, natri, clo rất có lợi cho sức khỏe, nhiệt độ dòng khoáng nóng ở đây rất phù hợp khoảng 40oC. Đến đây bạn sẽ được khám phá cánh rừng nguyên sinh bất tận, được câu cá, đi bộ, đạp xe, leo núi hay ngâm mình thư giãn trong làn nước khoáng nóng tinh khiết món quà từ nhiên nhiên, có những điểm nước nóng tới 82oC, du khách có thể cùng nhau luộc trứng và thưởng thức món trứng gà lòng đào thơm ngon.
Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 15.043ha, trong đó có 9.000ha biển và 6.043ha rừng. Rừng ở Côn Đảo chủ yếu là rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo với 882 loài thực vật, gần 150 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm chỉ có ở Côn Đảo như sóc đen, thạch sùng có cánh, vài loài chim chỉ có ở Côn Đảo như: chim điên mặt xanh, chim nhiệt đới, chim bồ câu Nicba, ghầm ghì trắng.
Chế độ dòng chảy Biển Đông với sự thay đổi hai mùa gió chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ấu trùng sinh vật biển từ Côn Đảo đi về phía bắc và phía nam. Ngược lại, vùng biển này dễ dàng thu nhận nguồn phát tán từ các nơi khác. Do vậy, thành phần loài sinh vật biển ghi nhận ở đây tương đối đa dạng và phong phú với 285 loài san hô cứng, 84 loài rong biển, 202 loài cá, 153 loài thân mềm, 130 loài giun nhiều tơ, 110 loài giáp xác, 46 loài da gai. Bên cạnh đó, hệ sinh thái thảm cỏ biển - loài thực vật có hoa ngầm sống trong môi trường nước biển - rộng khoảng 200ha chiếm tới 9 loài trong 16 loài cỏ biển trên thế giới. Vùng biển Côn Đảo có đồi mồi, rùa da; các loài thú biển như cá voi đen, cá nược, đặc biệt có bò biển Dugong, một trong những loài còn rất ít trên thế giới. Đến với Côn Đảo hôm nay, du khách sẽ được trải nghiệm những ngày nghỉ thật sự thú vị với các tour du lịch sinh thái hấp dẫn như lặn biển ngắm những rặng san hô trải dài hàng ki lô mét dưới làn nước trong xanh, mát lành, bơi lội cùng đàn cá đủ màu sắc sặc sỡ, hay cùng nhau tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Côn Đảo, vượt thử thách với hoạt động leo núi, thú vị với màn ngắm xem rùa đẻ trứng trong mùa sinh sản và cùng vui với hoạt động hết sức ý nghĩa thả rùa con về biển… Năm 2014 Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Côn Đảo còn được các báo chí nước ngoài như Travel&Leisure, BBC ca ngợi là điểm đến hoang sơ và lý tưởng nên đến một lần trong đời và nơi đây cũng vừa lọt vào danh sách 10 điểm đến đẹp nhất Châu Á năm 2016 của Chuyên trang du lịch Lonely Planet.
Núi Dinh là ngọn núi nổi tiếng của BR-VT với vẻ đẹp hài hòa, sơn thủy hữu tình cao khoảng 500m. Nơi đây được biết đến là một trong những điểm du lịch sinh thái độc đáo của BR-VT. Sau khi trải qua chuyến du lịch leo núi với nhiều trải nghiệm thú vị du khách sẽ lên tới đỉnh Núi Dinh, đứng trên độ cao ngút ngàn này du khách sẽ thỏa thích phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh đẹp đồng bằng như một vũ trụ thu nhỏ, hội tụ nhiều cung bậc của cuộc sống, cũng từ độ cao này thả mắt xuống chân núi du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng suối Tiên tuyệt đẹp uốn lượn, chảy qua những con dốc dòng nước tạo thành những thác nước phun bọt trắng xóa đủ để du khách vui đùa tung hứng với dòng nước trong xanh, mát lành. Và hoàng hôn là thời điểm Núi Dinh được khoác trên mình một chiếc áo phủ trắng hơi sương mờ ảo, khiến cho du khách sẽ cảm thấy se lạnh. Đó là lý do Núi Dinh mang nhiều nét đặc biệt với những ai đã từng đặt chân đến địa danh này.
Trước những tiềm năng, thế mạnh của loại hình Du lịch sinh thái nơi đây, BR-VT đã khai thác và hình thành nên một số khu du lịch sinh thái mới, hấp dẫn du khách như Khu du lịch sinh thái Ngọc Xương, khu du lịch sinh thái Bưng Bạc, KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo…tất cả đều được bài trí mang đậm nét thôn quê, bình dị, và gần gũi với thiên nhiên phù hợp với nhu cầu chung của du khách hiện nay, bởi không gian thoáng đãng, đến đây du khách được thưởng thức những đặc sản vườn nhà, được chơi những trò chơi thú vị như câu cá, cắm trại bên suối, leo núi …
Du lịch sinh thái tại Bà Rịa –Vũng Tàu hiện là loại hình du lịch được đông đảo du khách lựa chọn. Chính vì vậy để đảm bảo sự phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, địa phương cần đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời cần có sự chỉ đạo, phối kết đồng bộ cả 3 yếu tố là chủ trương đường lối của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương và du khách. Nếu làm tốt các khâu trên chắc chắn trong tương lai du lịch sinh thái sẽ là tiền đề phát triển du lịch bền vững, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo Cổng Thông Tin BRVT