Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được quy hoạch là tuyến cao tốc thứ hai ở miền Tây và được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế cả khu vực phát triển.
Ngày 8-12, hàng trăm kỹ sư, công nhân các gói thầu thi công "nước rút" láng nhựa mặt đường, lắp đặt dãy phân cách, hệ thống chiếu sáng… trên công trường xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, nối Cần Thơ và Kiên Giang.
Ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - cho biết đến nay dự án đã hoàn thành 97% khối lượng. Hiện nhà thầu tăng cường làm đêm nhằm bù đắp những ngày mưa dầm để đưa tuyến đường này vào sử dụng cuối tháng 12-2020.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nằm trên địa phận Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF).
Các kỹ sư và công nhân thi công nước rút để thông xe tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào cuối tháng 12-2020
Theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn cao tốc từ Chơn Thành (Bình Phước) – Đất Mũi (Cà Mau) của đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, được khởi công ngày 17-1-2016 và thông xe kỹ thuật vào ngày 15-10-2020 với thiết kế là đường cấp III đồng bằng, có bốn làn xe, có dải phân cách cứng, tiêu chuẩn là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Theo chủ đầu tư, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Tây vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tuyến cao tốc thứ 2 TP HCM đến các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Đưa tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 giờ 30 phút còn khoảng 50 phút so với đi tuyến quốc lộ 80.
Bên cạnh đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi còn kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến cao tốc N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) để tạo thành tuyến cao tốc thứ 2 dài hơn 150 km xuyên suốt các tỉnh miền Tây.
Theo Tuổi Trẻ